Hiện nay, tại các vùng thôn quê xuất hiện nhiều đối tượng đi xe máy (đã tháo biển kiểm soát hoặc sử dụng biển số giả) dạo trên các tuyến đường để hành nghề trộm chó. Một ngày “làm việc” của dân “kéo pháo” bắt đầu từ khoảng 5 giờ chiều hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau.
Đây là thời điểm các chú chó thường nhởn nhơ ra đường, cũng là khoảng thời gian thuận lợi để “cẩu tặc” hoạt động. Để có mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng, hai “cẩu tặc” phải trộm được từ 7 đến 10 con chó mỗi đêm. Công cụ để bắt chó là một chiếc thòng lọng làm bằng dây phanh xe máy hoặc ruột dây điện thoại, dây dù. Đây là những loại dây vừa nhỏ (dễ cất giấu) lại bền (không bị đứt) và trơn (để thòng lọng thắt nhanh). Chiếc thòng lọng lại được thiết kế thêm tay cầm là một ống nhôm. Chiếc ống này giúp “cẩu tặc” thực hiện việc kéo dây thòng lọng thắt cổ chó mà không bị trầy xước tay.
Bị người dân truy đuổi, “cẩu tặc” bỏ lại chú chó và chiếc thòng lọng
Để thực hiện việc trộm chó, mỗi nhóm gồm hai “cẩu tặc” chạy xe máy lòng vòng trên các tuyến đường quê. Khi gặp chú chó nào ngoài đường, chúng sẽ điều khiển xe chạy ngược chiều với hướng chó đang đi. Nếu gặp đoạn đường vắng người, chúng cho xe chạy tốc độ bình thường, kéo theo chú chó chạy dưới đường. Khi con chó chạy theo xe đến mức kiệt sức thì “cẩu tặc” dừng xe, bế xốc chó lên và chạy về địa điểm bán chó. Còn khi gặp những đoạn đường đông người, “cẩu tặc” rồ ga chạy ở tốc độ cao để trốn thoát. Khi đó, chú chó bị kéo lê trên đường, bị va đập đến kiệt sức. Đến đoạn đường vắng, chú chó sẽ được tên ngồi sau bế xốc lên xe.
Hãy ấn Like hoặc +1 nếu bạn thấy bài viết này có ích nhé ♥