Ý tưởng chuyển thể tiểu thuyết là của nam diễn viên chính Gong Yoo. Khi đang thực hiện nghĩa vụ quân sự cách đây vài năm, anh đọc tiểu thuyết này và rất muốn làm thành phim. Khi Gong Yoo về nghỉ phép, anh gặp nhà văn Kong Ji Young, cho biết anh muốn thực hiện điều này vì những trẻ em thiệt thòi. Nữ nhà văn đã đồng ý. Bộ phim do Hwang Dong Hyuk đạo diễn. Người phụ nữ đóng vai bà của em học sinh Min Soo trong phim chính là người bà của đạo diễn.
“Tôi lo lắng vì phim nói về một chủ đề tối tăm. Nhưng khi biết rằng những nạn nhân đã phải đấu tranh gian khổ như thế nào để vượt qua nỗi đau bị lạm dụng và tìm mọi cách để vụ việc được đưa ra ánh sáng, tôi nghĩ bộ phim của mình sẽ giúp họ được một phần nào đó”, đạo diễn Hwang Dong Hyuk chia sẻ.
Trong phim, nam diễn viên Gong Yoo vào vai Kang In Ho, một thầy giáo trẻ dạy nghệ thuật mới chuyển đến một ngôi trường dành cho trẻ em câm điếc. Anh nhận thấy thái độ xa cách và ngờ vực của những đứa trẻ nơi đây đối với người lớn. Anh đã dành nhiều thời gian tìm hiểu tâm lý của các em và khám phá ra sự thật đáng sợ, rất nhiều học sinh đã bị hiệu trưởng và các giáo viên đánh đập, cưỡng bức, lạm dụng tình dục.
Nữ diễn viên Jung Yu Mi vào vai Seo Yoo Jin, một nhà hoạt động xã hội, người đã giúp In Ho từng bước khám phá ra sự thật và tìm cách lấy lại công bằng cho các em nhỏ, khiến anh em thầy hiệu trưởng - những kẻ gây ra tội ác - phải trả giá.
Để đóng bộ phim này, Gong Yoo đã học cách nói chuyện bằng tay của người câm điếc. Hiểu được các em học sinh, nhân vật thầy giáo trở thành tiếng nói của chúng, trở thành người giúp các em phát biểu về việc bị lạm dụng. Quá trình anh tìm ra sự thật chính là một quá trình đầy gian khổ và ám ảnh.
Ngoài đời thực, vụ việc ở trường Gwangju Inhwa từng được đưa ra xét xử năm 2005 nhưng những kẻ phạm tội nhận mức án quá nhẹ. Có 10 giáo viên bị xét xử, trong đó có ông hiệu trưởng, nhưng cuối cùng chỉ có 2 giáo viên bị quản chế, 2 người khác nhận 1 và 2 năm tù giam, số còn lại trắng án vì quá thời hạn xử phạt. Một người trong số đó còn được nhận lại trường vào tháng 1/2008.
Nhờ tác động của bộ phim Silenced, nhiều người đã lên tiếng vạch trần sự thật mà họ biết, những sự thật đến nay vẫn tồn tại ở trường Gwangju Inhwa. Korea Times đưa tin, đầu tháng 10, mẹ của một học sinh họ Jung 13 tuổi tố cáo hiệu trưởng đánh đập con mình. Bà cho biết, cậu bé đã bị đánh hai lần trong hôm 10/8. “Con tôi có những vết bầm tím ở hông, đùi, bụng và đầu gối”. Người mẹ còn chụp ảnh các phần bị hành hung trên cơ thể con mình, phóng thành ảnh to và công bố cho báo chí, khiến dư luận tỏ thái độ tức giận.
Cũng theo Korea Times, hôm 17/10, Kim Yung Il, 71 tuổi, một cựu giáo viên ở trường học đặc biệt dành cho trẻ câm điếc Gwangju Inhwa, lên tiếng tố cáo hai vụ hành hạ học sinh đến chết xảy ra ở trường này vào năm 1964, tức gần 50 năm về trước. “Tháng 10/1964, khi tôi làm việc ở ngôi trường này, hiệu phó đã đánh chết một cậu bé mồ côi 7 tuổi và cùng một giáo viên khác gói xác cậu bé lại, mang đi chôn ở một ngọn núi cách trường 7 km”.
“7 tháng sau đó, một cô bé 6 tuổi cũng qua đời tại trường. Cô bé bị bỏ đói trong một thời gian dài và phải ăn cả giấy để sống. Một nữ lao công già đã bỏ rơi cô bé ở phía sau tòa nhà, khiến cô chết trong đơn độc”, ông Kim viết trong đơn tố cáo.
Ông Kim cho biết, lúc đó ông đã báo cảnh sát nhưng cảnh sát lờ sự việc đi, giải thích rằng họ không tìm thấy cái xác nào xung quanh ngôi trường cả. “Sau chuyện đó, hiệu trưởng và hiệu phó đã nhốt tôi trong trường 5 ngày và đánh tôi. Tôi rời bỏ ngôi trường vào năm 1968”, ông kể.
Cũng trong đầu tháng 10, Sở Giáo dục thành phố Gwangju đã triệu tập cuộc họp khẩn với nội dung bàn về việc đóng cửa trường dành cho trẻ em khuyết tật Gwangju Inhwa. 22 trẻ em đang được nuôi tại đây sẽ được chuyển giao cho một cơ sở khác. “Các cán bộ giảng dạy ở trường Gwangju Inhwa thiếu nền tảng đạo đức. Vấn đề này đã bị che giấu trong nhiều năm qua. Đến nay, chúng tôi nhận thấy trung tâm này không thể hoạt động theo mục đích ban đầu”, ông Song Gwi Geun, Phó Thị trưởng thành phố Gwangju, nói với báo chí hôm 3/10, theo JoongAng.